Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết: Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, thúc đẩy, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết kết quả và kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng Quyết định để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm phù hợp, khả thi.
Việc xây dựng Quyết định góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm, thực hiện quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân, khắc phục hạn chế, bất cập trong thi hành pháp luật của chính quyền xã, kịp thời triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm, định hướng, mục tiêu đề ra trong các văn kiện, văn bản mới được ban hành như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước đến năm 2030; Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra việc tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, sẽ khắc phục được hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg như: một số quy định của Quyết định không còn phù hợp với thực tế, thiếu tính khả thi, chưa bảo đảm hiệu quả xây dựng, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tại các địa phương chưa sát sao, quyết liệt; có nơi, có lúc làm còn hình thức, chưa nghiêm túc, kết quả đánh giá các tiêu chí chưa phản ánh đúng thực trạng trách nhiệm và hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã. Cấp ủy, lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên. Về kinh phí, Bộ và Ngành Tư pháp được giao thêm nhiệm vụ nhưng không được bố trí kinh phí riêng, chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm...
Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng thẩm định cho tập trung cho ý kiến về nội dung dự thảo Quyết định, trong đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải phù hợp, khả thi, dựa trên tổng kết thực tiễn, kế thừa các tiêu chí, chỉ tiêu vẫn còn còn giá trị đã được thực tiễn kiểm nghiệm; việc bổ sung các chỉ tiêu, nội dung mới phải đảm bảo phù hợp với thực tế; vấn đề bảo đảm nguồn lực, kinh phí để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin để việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như việc theo dõi, kiểm tra, giám sát được thuận lợi, tiết kiệm, minh bạch, thực chất và hiệu quả.
Căn cứ hồ sơ dự thảo Quyết định thẩm định, ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - chủ trì cuộc họp thẩm định kết luận: hồ sơ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đủ điều trình Thủ tướng Chính phủ sau khi cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến trong báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ./.
Ngô Huyền
Vụ Các vấn đề chung về XDPL